CHUYÊN CUNG CẤP ĐỒ THỜ CÚNG

VẬN CHUYỂN, LẮP ĐẶT MIỄN PHÍ

GIAO HÀNG TOÀN QUỐC

SẢN PHẨM ĐA DẠNG

Tản mạn chuyện thờ cúng

Dân tộc ta cũng như nhiều dân tộc khác trên thế giới, trong buổi đầu bình minh lịch sử, họ phải đối diện với thiên tai, dịch bệnh, với những hiện tượng mà tri thức con người lúc đó chưa giải đáp cũng như chưa giải quyết được, nên họ phải dựa vào “niềm tin ngoài mình” để tiếp tục cuộc sống, tiếp tục hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn. Và cái “niềm tin ngoài mình” ấy, sau này chúng ta gọi là tín ngưỡng vạn vật hữu linh (animism). Bây giờ, nhân loại bước sang thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, vậy mà trong đầu óc chúng ta vẫn còn nghĩ đến thần đá, thần cây, thần nước, thần sông, thần biển… Cột mốc phân định đất đai giữa các làng, nhiều nơi cũng được nhân dân hương khói và tôn làm… “ông mốc”. Cái bình vôi sứt miệng đem bỏ ngoài gốc cây đầu làng hoặc trong góc khuất sân đình cũng gọi “ông bình vôi”. Ba cục gạch kê tạm để nấu ăn cũng gọi “ông táo”. Cái kiềng ba chân dùng để nấu nướng cũng gọi “ông kiềng”, vân vân và vân vân. Những “ông” ấy được bà con ta ở nhiều nơi hương khói bốn mùa; nhiều người có việc cần “giúp sức” thì cũng đến đó dâng hương cầu khấn. Hiện nay, trong nhân dân ta vẫn còn không ít người có ý nghĩ: “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Một nén nhang, một tấm lòng thành chẳng tốn kém gì mà có thêm niềm tin, có thêm nghị lực để vượt qua những việc mà họ nghĩ rằng khả năng của họ không kham nổi. Đó là cõi tâm linh thường trực trong mỗi con người, khó có gì ngăn cản được.

Nếp sống…

Hơn chục năm qua, cuộc sống người dân có khá hơn, nên nhiều người quan tâm chăm sóc mồ mả ông bà, xây dựng nhà thờ tộc họ, đình làng, miếu xóm… Đây cũng là cách thể hiện tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” – một truyền thống tốt đẹp đã có từ ngàn đời qua của dân tộc ta. Theo phong tục Việt Nam, thì việc thờ cúng tổ tiên và các bậc thần linh là rất quan trọng. Đây là luật tục chứ không phải tôn giáo. Nói đến tôn giáo là nói đến giáo chủ, giáo lý và được quyền tin hay không tin, nhưng nói đến tổ tiên thì không thể nói có hay không có, tin hay không tin. Và việc thờ cúng tổ tiên cũng như thần linh đã ăn sâu vào nếp sống người dân Việt. Tôn giáo nào đến Việt Nam cũng phải nương theo đó mới có thể tồn tại và phát triển. Qua truyện Chữ Đồng Tử trong Lĩnh Nam chích quái, GS Lê Mạnh Thát cho rằng: “Nhà sư Phật Quang này có thể là một người Chiêm Thành, hoặc là người Ấn Độ, đang tìm cách truyền bá Phật giáo vào Việt Nam. Và Chữ Đồng Tử là người Việt Nam đầu tiên đã đến tiếp xúc với ông, để rồi sau đó, trở thành người Phật Sư Việt Nam đầu tiên có tên tuổi” . Và qua truyện Chữ Đồng Tử, ta thấy nếu đây là người Phật tử Việt Nam đầu tiên, thì Phật giáo Mật tông vào Việt Nam sớm nhất và nó có nhiều điểm phù hợp với tín ngưỡng dân gian. Trong thực tế, các phái Thiền đến Việt Nam, như Tì-ni-đa-lưu-chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường, Lâm Tế, Tào Động… cũng phải có màu sắc Mật tông/ Chơn Ngôn tông (Mật giáo) mới tồn tại được, bởi vì ở tông phái này, tu sĩ hay dùng những câu chân ngôn, linh phù và pháp ấn để giữ mình và cứu người. Theo Đoàn Trung Còn, “Sức Linh phù đi với sức của những lời tụng, niệm, những thời Kinh, nhứt là những câu Chơn Ngôn Đà-la-ni. Phật giáo tông Chơn ngôn rất chú về huyền lực những câu Chơn Ngôn. Tức là mấy câu phép tóm tắt và yếu lược Đà la ni ở Thiên Trúc lưu truyền từ ngàn xưa. Người ta không dịch ra tiếng bổn xứ, e mất sức mạnh đi, nên cứ theo tiếng Phạn mà đọc. (…) Cùng đi với Chơn Ngôn và Linh phù, Pháp ấn có sức linh không phải vừa. Kẻ bắt tay Ấn cũng thâu Càn khôn vào tay mình. (…) Có khi một tay Ấn mà dùng vào nhiều việc, là do theo thời cảnh và những câu Chơn Ngôn. Từ việc lớn chí việc thường và bất kỳ giờ nào, dùng Ấn và niệm Chơn Ngôn cũng được hết. Gặp kẻ hung bạo, Ấn mà trừ. Có yêu quái tà mị, Ấn mà đuổi. Xảy ra nạn rủi, Ấn mà thoát. Thức dậy, ăn uống, mặc áo, tụng Kinh, nhà đạo cũng Ấn và niệm cho chúng sanh và đỡ cho mình” . Do đó, ta không lấy làm lạ khi thấy Thiền sư Vạn Hạnh, đệ tử đời thứ 9 của Thiền phái Tì-ni-đa-lưu-chi, dùng sấm ký để hỗ trợ Lý Công Uẩn lên ngai vàng, và cũng không lấy làm lạ khi nghe nói đến cụm từ “Phật giáo dân gian”. Nhưng việc thờ cúng bây giờ cũng có điều đáng nói.

Quyền “viết lại” văn hóa

Qua nhiều lần đi điền dã khắp 3 miền đất nước, tôi thấy không ít nơi có cúng mà không có thờ, và cũng nhiều nơi, nhất là những nhà ở phố thị lại có thờ mà không có cúng. Chỗ có cúng mà không có thờ, vì đồ thờ được làm bằng đồng dễ bị mất cắp. Khi nào cúng thì mang đồ thờ ra. Cúng xong thì mang đồ thờ vào cất trong tủ cho yên tâm. Chỗ có thờ mà không có cúng là muốn đặt bàn thờ ở nơi được xem là trang trọng nhất, ấy là ở trên tầng cao nhất. Điều này không có gì sai, thậm chí… quá đúng, nhưng không ai nghĩ, lớp trẻ thì lo chuyện của lớp trẻ, mấy ai đủ “chín” để ngày ngày nhớ đến chuyện hương khói tiền nhân, kể cả Phật tổ (nếu có thờ Phật). Lớp người lớn tuổi, thì xương khớp không cho phép leo lầu thường xuyên.

Tiêu chuẩn giá trị là hạnh phúc chứ không phải là luân lý. Vì thế, chúng ta cần quan tâm đến con người và hạnh phúc của con người lên trước văn hóa và truyền thống. Có con người mới có văn hóa và truyền thống, nên con người có quyền “viết lại” văn hóa và truyền thống của mình. Kinh Kalama trong Tăng Chi Bộ kinh, Đức Thế Tôn từng dạy: “…Đừng để bị dẫn dắt bởi truyền thống…”. Trong thời đại kỹ thuật số này, chúng ta dễ dàng và đủ lực để sẵn sàng tiếp nhận mọi nền văn hóa, văn minh của nhân loại, nhưng chúng ta phải biết chọn lọc để đem lại hạnh phúc cho bản thân, gia đình và cho cộng đồng, không nên quá nệ cổ cũng không nên rập khuôn.

Việc thờ cúng, nhang khói chư Phật, tổ tiên là để “nhớ nguồn”, để thấy tâm an định. Khi tâm được an định, thì con người mới đủ “nguồn lực” để soi sáng tư duy, khơi dậy nguồn sáng trong mỗi người, vạch mở những gì đang che mờ tâm thức, chớ không nên đặt nặng tín điều.

Đạo Phật dạy con người đi vào giải thoát, có nghĩa là đi ra khỏi mọi trói buộc, mọi ách nô lệ, nhất là nô lệ chính dục vọng của mình, nhưng đã là con người đang đấu tranh sinh tồn giữa cõi Ta-bà này thì khó mà thoát khỏi dục vọng, thậm chí sẵn sàng làm nô lệ chính dục vọng của mình. Và chính vì thế mà tôn giáo mới ra đời. Và cũng chính vì thế mà tín ngưỡng dân gian vẫn tồn tại, dù con người đã đưa máy móc lên thám hiểm trên sao Hỏa, đưa con người lên tận cung Trăng…

Về gia lễ, theo tôi, cụ Hồ Sĩ Dương (1622-1681) là người hướng dẫn bằng văn bản sớm nhất. Hậu duệ của danh sĩ Hồ Tông Thốc gốc người xứ Nghệ là Tiến sĩ Hồ Sĩ Dương, hiệu Thọ Mai, lập nghiệp ở làng Hải Thượng, tỉnh Hải Dương, ngụ ở huyện Thọ Xương. Ông làm quan đến chức Tham tụng kiêm Thượng thư Bộ Công, sung Tổng tài Quốc Sử quán. Với ý thức độc lập dân tộc, ông đã vận dụng kinh điển phương Đông soạn sách Thọ Mai gia lễ phù hợp với truyền thống và phong tục Việt Nam. Nhưng so với những “lễ tục” hiện nay thì… chưa thấm vào đâu. Do đó, tôi xin ghi lại những gì mà tôi rút ra được từ chuyện “ăn cơm góp”, những mong bạn đọc cùng chiêm nghiệm.

Cúng gia tiên

Đã thờ thì phải cúng. Khi cúng thì chủ gia đình phải bày đồ lễ cùng với hoa quả theo nguyên tắc “Đông bình Tây quả,” rượu, và nước. Sau đó, gia chủ đốt đèn (đèn dầu, đèn cầy, hay đèn điện), thắp nhang (hương), khấn, và cúng trước rồi những người trong gia đình theo thứ tự trên dưới cúng sau. Khi cúng thì phải chắp tay đưa lên ngang trán khấn. Khấn là lời trình với tổ tiên về ngày cúng liên quan đến tên người quá cố, ngày tháng năm ta và tây, tên địa phương mình ở, tên mình và tên những người trong gia đình, lý do cúng và lời cầu nguyện, v.v… Riêng tên người quá cố ta phải khấn rõ nhỏ. Những người lớn tuổi, cho rằng tên người quá cố (tổ tiên, ông bà, cha mẹ) mà khấn lớn để người ngoài nghe được đem ra nói, thì không hay, nhất là những lúc tức giận. Sau lời khấn, người ta thường vái. Vái ở đây coi như lời chào kính cẩn đối với người đang cúng và những người được “mời về” cùng hưởng. Lời khấn cầu cũng không nói to để mọi người cùng nghe. Việc này trong Truyện Kiều, Nguyễn Du có viết: Lầm rầm khấn vái nhỏ to/ Sụp ngồi, đặt cỏ trước mồ, bước ra.

Xưa bày nay bắt chước và sách vở cũng có ghi: cúng là phải có thắp nhang, đèn, khấn, lạy và vái; còn cỗ bàn thì tùy vào điều kiện của mỗi gia đình, chứ không bắt buộc, bởi “lễ tuy bất túc, tâm rày hữu dư”. Tuỳ theo địa vị của người cúng và người quá cố mà vái hay lạy. Nếu cha cúng con thì chỉ vái 4 vái mà thôi. Nếu con cháu cúng tổ tiên thì phải lạy 4 lạy.

Vái thường áp dụng ở thế đứng hoặc quỳ, và người Việt Nam nào ai ai cũng biết, còn lạy thì thế lạy của đàn ông khác với thế lạy của đàn bà. Cách lạy như thế nào cho đúng, trong kinh sách có dạy và các tu sĩ Phật giáo rành hơn tôi, nên viết vào đây chẳng khác nào “múa rìu qua mắt thợ”. Nhưng về đại thể, xưa nay trong dân gian đều truyền, lạy là chắp hai tay đưa cao quá trán và hạ từ từ xuống phía trước mặt đến ngang ngực và trong một số trường hợp cung kính thì người lạy tiếp tục quỳ xuống, chống hai lòng bàn tay xuống đất rồi đầu cúi đến khi trán chạm đất thì hết quy trình 1 lạy. Nhưng đứng lạy cũng được, và với động tác lạy thì người lạy phải nhìn về phía trước, lúc tay được xuống thì đầu cũng cúi xuống. Còn vái là hai tay vẫn chắp như khi lạy nhưng động tác (tay và đầu) đưa xuống nhanh hơn.

Chuyện thế tục

Đối với người Việt Nam, nếu có lạy thì phải kèm theo vái. Tùy trường hợp mà ta lạy 2, 3, 4, hoặc 5 lạy. Sau lạy là vái. Có người cho rằng, hễ lạy mấy lạy thì vái mấy vái, nhưng có người thì bảo lạy xong rồi chỉ cần vái chỉ 2 vái là đủ, bởi lạy là chính còn vái như một lời chào kính cẩn, thế thôi. Chuyện lạy và vái này là chỗ khác biệt trong nghi thức thờ cúng giữa nước ta với một số nước đồng văn. Nhưng như đã nói, việc cúng bái quan trọng là ở lòng thành. Điều chúng tôi nói ở đây là chuyện thế tục, chút lễ của thế tục. Có lòng thành mà “biết” thêm chút lễ chắc cuộc sống sẽ vui hơn.

Xưa nay, nhân dân ta thờ cúng tổ tiên, nhiều nhà còn lập bàn thờ Phật, một số gia đình, dòng họ có chùa riêng; làng cũng có chùa của làng… Những ngày rằm, mồng một hằng tháng đều có cúng vái, có đi chùa lễ Phật, nhưng phần lớn không ai hiểu mấy về giáo lý Phật giáo, nên thấy người ta thắp nhang mình cũng thắp nhang, thấy người ta lạy mình cũng lạy. Ai đến chùa cũng muốn thắp thật nhiều nhang, lạy thật nhiều lạy để tỏ rõ lòng thành. Do vậy mà những ngày lễ lớn như Phật đản, Vu Lan,… những ngày Tết, các chùa đều phải cử người túc trực để “hạ hương” kịp thời nhằm tránh hỏa hoạn.

Họ đến với Phật như đến với Đấng quyền năng phép cả với lòng tin giúp họ vượt qua những sóng gió cuộc đời, giúp họ buôn may bán đắt, thậm chí giúp họ “đánh quả” được trót lọt (!?)… Và Đức Phật luôn từ bi, hé nụ cười hỉ xả.

Lạy và vái

Trong cuộc sống thường ngày, ngoài những lần đi chùa lễ Phật, ta còn gặp chuyện cưới xin, ma chay, giỗ chạp… Trong những trường hợp như vậy, ta lạy và vái như thế nào?

Tham khảo nhiều cuốn sách viết về tục cưới hỏi, ma chay của người Việt Nam cũng như hỏi một số tu sĩ Phật giáo, những vị thầy cúng, những bô lão trong làng mà tôi đã đặt chân qua trong những lần đi điền dã để viết địa chí…, tôi rút ra điểm chung như vầy:

– Lạy 2 lạy: Hai lạy dành cho người sống, như lạy ông bà, cha mẹ (còn sống) trong dịp cưới hỏi, mừng thọ. Thời phong kiến, trong cưới hỏi, ở lễ hợp cẩn, người vợ trải chiếu, lạy chồng 2 lạy, người chồng đáp lại bằng cách vái 1 vái. Nói chung, 2 lạy chỉ dành cho người còn ở tại dương thế. Nhưng 2 lạy cũng còn áp dụng trong lễ tang. Người ta tiến hành đi viếng khi người qua đời đã được nhập quan và tang gia xong lễ thành phục/ lễ phát tang. Sách Thọ Mai gia lễ ghi: “Khi đã phát tang thì các con cháu đều túc trực gần linh cữu, trai bên tả, nữ bên hữu, chủ tang đứng đầu. Mũ gậy hoặc lúp của con trai, con gái vắng mặt, được máng bên linh tọa. Phải khiêm cung khi có người tới điếu mặc dầu gia đình cao sang đến mấy chăng nữa, trong việc tạ hiếu phải được coi trọng, thói thường đám tang hay có điều dị nghị. Ma chê, cưới trách là vậy.

Thoạt khách đến điếu phải có người ra đón rước, cám ơn trước khi họ mở lời, nếu họ tới trước linh cữu, tất cả con cháu đều cúi chào và có người đốt nhang lên trao cho họ cầm, đoạn lui về phía linh cữu, cúi đầu chống gậy, tay bịt miệng tỏ lòng kính cẩn chờ họ làm lễ. Khách bắt đầu làm lễ điếu thì tất cả con cháu cũng hướng về phía khách tạ lễ (Ở phần này, theo tôi, một vài người đại diện cũng đủ – V.G). Khi khách lễ xong 2 lạy, thì con cháu cũng tạ xong 1 lạy, khách cúi đầu hướng về con cháu tỏ dấu kính cẩn, thì con cháu cũng vái lại cho hợp lễ. Trong khi làm lễ đã có phường kèn trống lo trỗi nhạc.

Xong việc làm lễ, con cháu phải thành kính mời khách ngồi chơi uống nước đồng thời cám ơn sự có mặt làm vong linh cha hay mẹ mình (người qua đời – V.G) được hân hạnh hưởng ân nghĩa này, các con cháu không dám quên. Khách ra về phải tiễn chân ra tận cửa ngoài, không quên cám ơn một lần chót, rồi lại trở vào túc trực tại linh cữu. Người tới điếu thường lễ 2 lạy, vì linh thể còn kể như là sống. Nhà có tang, chỉ đáp lại 1 lạy. Khách tới điếu phải được ghi vào sổ để nhớ ơn sau này” .

Ở đây, ta thấy người quá cố còn đó (dù đã được nhập quan) thì vẫn được xem như còn ở dương thế, do vậy lạy đúng thì chỉ lạy 2 lạy và vái 2 vái giống như hành lễ trước người sống. Nếu đi thắp hương cho người quá cố (đã an táng rồi), thì phải lạy 4 lạy và vái 2 hoặc 3 hoặc 4 vái. Và trả lễ chỉ một nửa. Nhưng việc trả lễ này, có nơi, có người “đáp lễ một cách đầy đủ”, nghĩa là khách viếng tang lạy bao nhiêu lạy, thì đại diện tang chủ trả lại bấy nhiêu lạy. Chuyện này, tôi có đặt ra cho nhiều người, nhưng không nhận được câu trả lời nào cho thấu đáo, song có nhiều ý kiến tôi cho là… được. Đó là nên trả một nửa lễ, còn nửa lễ “lưu phước” cho người viếng. Uống nước phải chừa cặn, nên… lễ nghĩa cũng vậy! Việc trả lễ một nửa, sách vở xưa nay đều thống nhất như thế. Cụ thể, ở mục Viếng tang, tác giả Đất lề quê thói, viết: “Cữu còn để ở trong nhà thì khách đến phúng lễ hai lạy như đối với người sống, thân thích vào làm lễ điếu thì đứng cúi đầu, tay phải bưng miệng, ô hô ba tiếng rồi mới lạy, cả gia đình tang chủ mỗi người đáp lại một nửa lễ tức là một lạy” .

– Lạy 3 lạy: Khi lễ Phật, ta lạy 3 lạy; lạy Tiên Thánh, Thành hoàng cũng 3 lạy. Ngày xưa, con gái lấy chồng cũng lạy cha 3 lạy và 1 quỳ trước giờ lên xe hoa: Lạy cha ba lạy một quỳ/ Lạy mẹ bốn lạy, con đi lấy chồng (ca dao). Lý giải cho việc lạy 3 lạy, người ta cho rằng con số 3 là biểu tượng cho Tam bảo (Phật, Pháp, Tăng), cho Tam cương (Quân, Sư, Phụ hoặc đạo vua – tôi, cha – con, vợ – chồng). Sách Thiền tông chỉ nam của Trần Thái Tông có viết ở phần lời tựa như sau: “Tiên Thánh và Đại Sư không khác gì nhau. Coi đó là biết đạo giáo của Phật Tổ còn phải mượn sức của Tiên Thánh mới truyền bá được với đời” (Ngô Tất Tố dịch). Sau 3 lạy là 3 vái, chứ không thấy ai nói vái một vài vái. Nhưng với lòng thành, đứng trước Phật Tổ, Tiên Thánh, Thành hoàng… nếu vì áo quần chật không thể ngước lên cúi xuống được, thì đứng thẳng người vái 3 vái cũng xong, không ai trách thiếu lễ.

Thế nhưng, có nơi, có người nói với tôi 3 lạy dùng trong các lễ nghi tại các nơi thờ tự, hoặc cúng giỗ. Họ giải thích ở chùa lạy 3 lạy (1 lạy Phật + 1 lạy Pháp + 1 lạy Tăng); ở nhà, trước bàn thờ gia tiên cũng lạy 3 lạy (1 lạy tổ tiên + 1 lạy ông bà + 1 lạy cha mẹ hoặc các bậc trưởng bối); cúng ngoài trời cũng lạy 3 lạy (1 lạy trời + 1 lạy đất + 1 lạy chư Thiên, Thánh, Thần). Cách lý giải này, tôi thấy không ổn, bởi tổ tiên, ông bà và các bậc trưởng bối gọi chung là tổ tiên, là ông bà (chẳng hạn việc rước ông bà, đưa ông bà trước và sau Tết âm lịch); người ta cũng thường nói: Thiên – Địa – Nhân, chư Thiên – Thánh – Thần, chứ không ai nói trời – đất – chư Thiên, Thánh, Thần cả.

– Lạy 4 lạy: Như trên đã nói, 4 lạy là dành cho người đã quá cố. Nhiều người cũng dành 4 lạy cho Thánh Thần (khi cúng đất đai). Trong mục Tế kỳ phúc (tế Xuân, tế Thu) tức tế Thần ở đình, miếu để cầu an cho dân làng, Phan Kế Bính viết: “Kế đến xướng: nghênh thần cúc cung bái thì tế chủ và mấy người bồi tế đều lạy thụp cả xuống, người tây xướng xướng một tiếng hưng thì đứng dậy. Lễ xong bốn lễ (tức 4 lạy), xướng bình thân thì đứng ngay mình cho nghiêm” . Nhiều sách ghi số 4 trong 4 lạy tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu, cho 4 phương, cho tứ tượng. Sau lạy là vái 2 vái hoặc 4 vái. Nếu gặp hoàn cảnh không thể lạy được thì đứng vái 4 vái cũng đủ lễ.

– Lạy 5 lạy: Ngày xưa còn vua, nên chỉ có lạy vua mới dùng 5 lạy. Theo cách lý giải của thế nhân thì số 5 ứng với ngũ hành, mà vua là hành thổ màu vàng đứng giữa; số 5 còn tượng trưng cho 4 phương và trung ương – nơi vua ngự, nên lạy vua phải lạy 5 lạy. Ngày nay, hằng năm chúng ta hành hương về Phú Thọ tham dự Giỗ Tổ Hùng Vương. Khi vào chiêm bái, chúng ta nên lạy các Vua Hùng 5 lạy và 5 vái cho đúng lễ nghi. Nhưng thường vào dịp này, khách hành hương chắc chắn không chỗ chen chân, khó lòng cho ai có khoảng trống và thời gian lễ đủ 5 lạy, nên chúng ta chỉ cần vái 5 vái cũng được.

Tóm lại, nghi thức lạy hay vái, dù chỉ 1 lạy hoặc 1 vái, chúng ta cũng phải đứng nghiêm chỉnh, khởi lên ý niệm tôn kính tự tâm hướng về đối tượng chiêm bái, chứ không nên làm qua loa cho có. Kinh cũng nói, dù đứng mà lạy nhưng với sự thành kính, tịch tĩnh như thế chính là lạy Phật. Từ đó ta suy ra, việc hành lễ trước các đối tượng thờ cúng cũng không khác gì.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *