Trên cương vị một giảng viên chuyên ngành Tôn giáo học, trong bài giảng hay những câu chuyện đời thường, tôi vẫn thường hỏi sinh viên của mình về cách chuẩn bị cho những ngày Tết cổ truyền ở thành phố ra sao. Thực tiễn ấy sẽ mang đến một góc nhìn mới về những người trẻ ứng xử với việc thờ cúng tổ tiên.
Cái gốc của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên
Tôi xuất thân từ vùng nông thôn Hải Phòng. Quê tôi còn có quan niệm, trong ba ngày Tết, khi chưa hóa vàng thì không được để ban thờ tắt hương. Vì cho rằng, cây hương còn cháy là sợi dây kết nối giữa gia chủ và thần linh cũng như gia tiên của họ. Việc đó đảm bảo cho việc những mâm cơm cúng sẽ có người “chứng” và việc kính cẩn, chỉn chu đó sẽ được đền đáp bằng một năm mới may mắn, đủ đầy do các đấng bề trên “phù hộ”.
Dù phong tục truyền thống đã được giản tiện hay phần nào đó thay đổi đi khá nhiều, vẫn phải dựa trên những nền tảng cơ bản. Những nghi thức cho ngày Tết ngoài những khâu chuẩn bị như sắm hoa quả, trang trí ban thờ và chuẩn bị mâm cơm cúng, việc chuẩn bị bài cúng tất niên, bài cúng tân niên (đón giao thừa), bài cúng ngày mùng Một, mùng Hai, mùng Ba và cho đến bài cúng ngày hóa vàng (tiễn các cụ) cũng rất quan trọng.
Nghi lễ mời ông bà, tổ tiên được tiến hành bởi người chủ gia đình cùng con cháu. Trước tiên, phải biện lễ ra mộ, trước là tạ thần linh, sau là mời ông bà, tổ tiên về ăn Tết. Tiếp theo đó là nghi thức cúng tất niên – việc này cũng phải làm một mâm cơm kính cáo. Nhà nào có điều kiện thì làm “to”, nhà nào kinh tế eo hẹp cũng phải có mâm cơm canh để báo cáo thần linh, chúa đất cai quản, báo cáo vị thần chủ, hành khiển của năm đó về công việc của gia đình mình, sau là báo cáo và mời các cụ gia tiên về chuẩn bị ăn Tết. Mâm cơm cúng tất niên được tiến hành vào tối 30 tháng Chạp.
“Đối với cá nhân tôi, việc thực hiện hài hoà, cân bằng cuộc sống và thực hiện nghi lễ là điều mà tôi hướng đến. Tôi không cổ suý cho việc phải chăm chăm thực hiện các nghi lễ thờ cúng gia tiên cho bằng được, cho đầy đủ lễ nghi phép tắc khi mà hoàn cảnh không cho phép. Nhưng tôi cũng không mong muốn việc thờ cúng tưởng nhớ ông bà tổ tiên bị mai một, bị quên lãng bởi một lớp người kế cận”.
Đến thời điểm giao thừa, gia đình phải chuẩn bị mâm cơm cúng trời đất ngoài trời và mâm cơm cúng gia tiên tại ban thờ. Việc này được coi là quan trọng nhất cho đêm giao thừa, là đêm tống cựu nghinh tân, bỏ qua năm cũ, chào đón năm mới và nhiều dự định mới. Những điều tốt đẹp nhất được gia chủ báo cáo vị thần hành khiển của năm mới, cùng với đó là báo cáo dự định cho cả một năm sắp tới được bình an, thuận buồm xuôi gió…
Sau đó là những nghi thức chào đón của sáng mồng 1 như xông đất, đi chùa… cũng được gia chủ chuẩn bị từ trước để kiếm được một người xông đất may mắn, hợp với gia chủ và mang đến những nguồn năng lượng tích cực cho một năm mới…
Việc thực hiện nghi lễ thờ cúng tổ tiên hiện nay
Tôi từng tiếp xúc với nhiều bạn bè thuộc thế hệ 9x ở thành phố lập nghiệp, xa quê hương. Họ thuê nhà hay có căn hộ riêng thì việc lập ban thờ để thờ cúng thường chỉ thờ thổ công, thổ địa và có chăng là thần tài. Việc bốc bát hương thờ gia tiên của người trẻ không phổ biến. Do đó, việc thực hiện các nghi lễ thờ cúng tổ tiên của người trẻ vào ngày thường cũng như dịp Tết dần dần phai nhạt.
Tôi có một anh bạn đồng niên quê gốc Bắc Ninh. Tết Kỷ Hợi 2019, anh chính thức xây cất một ngôi nhà mới tại Hà Nội. Việc thờ cúng gần như phải “học” lại từ đầu, sao cho phù hợp với hoàn cảnh gia đình, với lối sống của vợ chồng trẻ mà phải đủ lễ nghi.Với những người trẻ lập nghiệp xa nhà, việc thờ cúng cũng không được chú trọng nhiều. Họ chỉ bắt đầu tìm hiểu khi có gia đình riêng. Nhiều người thực hiện một cách không thành thạo và đầy đủ. Điều này cũng dễ hiểu khi môi trường sống, cách vận hành cuộc sống hiện nay đang dần làm cho việc thờ cúng gia tiên bị mai một dần trong lớp trẻ hiện nay.
Một vài suy ngẫm
Có rất nhiều ý kiến cho rằng người trẻ hiện nay bê trễ, không quan tâm đến thờ cúng, chỉ làm cho có, không có ý thức trong việc bảo tồn hay duy trì tục thờ cúng tổ tiên. Ngay việc về quê ăn Tết cũng được thay thế bằng đi du lịch nơi xa thì không thể thực hiện các nghi lễ đầy đủ.
Có những ý kiến lại nói rằng, người trẻ bây giờ cần phải có thời gian chăm lo cho cuộc sống, sự phát triển của bản thân. Việc thờ cúng với họ cũng chỉ mong muốn có cuộc sống tốt đẹp hơn, vậy sao khi họ lo cho cuộc sống tốt đẹp hơn thì lại bị phản đối? Điều này cũng là một góc nhìn đang phản ánh cục diện xã hội giới trẻ hiện nay. Khi họ tích cực làm việc đồng nghĩa với việc chất lượng cuộc sống của họ tốt hơn, có nhiều điều tích cực hơn. Việc họ dành thời gian thờ cúng tổ tiên hay ăn Tết để đi du lịch là quá trình họ nghỉ ngơi, dưỡng sức cho cả một quá trình làm việc dài ngày.
Mỗi luồng ý kiến đều có quan điểm riêng, góc nhìn riêng để phản biện hay lập luận sao cho quan điểm của mình đúng nhất. Trên một góc độ nào đó, mọi quan điểm đều đúng theo góc nhìn của một cộng đồng hay thế hệ nào đó. Sẽ không có một lập trường hay một trục giá trị cụ thể bắt buộc quy định phải làm thế nào cho phải, làm thế nào cho đúng nhất mà chỉ có hệ giá trị làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn. Và điều nào hướng đến hệ giá trị đó thì đều tồn tại, dù bằng cách này hay cách khác.
Việc thực hành thờ cúng tổ tiên mang nhiều niềm tin, sự ngưỡng vọng và mong muốn những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với những người đang sống.
Thờ cúng ông bà tổ tiên là một nét đẹp, là phong tục uống nước nhớ nguồn và là niềm tin, chỗ dựa tinh thần cho cuộc sống và cũng là một phương thức, cách thức dạy dỗ con cháu sống tốt, sống đẹp.
Thực chất, việc thờ cúng tổ tiên hay thờ cúng bất kỳ vị thần linh hay tôn giáo nào đều hướng đến cái thiện, hướng đến một cuộc sống tốt đẹp nhất cho người đang thực hiện những nghi lễ thờ cúng đó. Nên việc tiếp thu, chuyển hoá và thực hiện bởi mỗi con người là khác nhau, nhất là đối với những người trẻ.
Họ có thể thể hiện bằng cách này hay cách khác, nhanh hay chậm, đầy đủ hay không đầy đủ thì cũng vẫn đã và đang diễn ra trong cuộc sống hằng ngày, đang được chuyển hoá và được xã hội dần dần chấp nhận. Những điều tốt đẹp luôn được người trẻ giữ gìn, phát huy và nâng cao chất lượng cuộc sống của bản thân và xã hội – đó mới chính là điều quan trọng nhất.
* Thạc sĩ Nguyễn Hải Anh – Bộ môn Tôn giáo học – Trường Đại học Khoa học – Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.